Sức ép thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: Hàng Việt tìm đường thoát hiểm

Admin
Theo các hiệp hội ngành hàng và các tham tán thương mại, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với các quốc gia đang tạo ra sức ép với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều mặt hàng sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, một số mặt hàng sẽ có lợi thế khi chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác ngoài Hoa Kỳ.
Sức ép thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: Hàng Việt tìm đường thoát hiểm- Ảnh 1.

Dự báo xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Ảnh: Như Ý

Nguy cơ suy giảm xuất khẩu

Tại hội nghị giao ban thương vụ ngày 28/4, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, việc áp thuế cũng khiến người dân Canada thắt chặt hầu bao và sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến nhu cầu đối với các nhóm mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như quần áo, đồ điện tử, nội thất, giày dép. Những điểm yếu của sản xuất Việt Nam như: Kém cạnh tranh về giá và chi phí logistics/vận tải cao để sang đến thị trường Canada, năng lực sản xuất tới hạn cũng đang là mối nguy cho hàng hoá Việt Nam. Cùng đó, các ngành dệt may, đồ chơi, đồ gia dụng, giày dẹp, túi xách đồ da… sẽ gặp khó khăn do Trung Quốc đã bắt đầu lợi dụng lỗ hổng trong quy định về thương mại điện tử cho phép miễn thuế tất cả các hàng hoá có giá trị thấp để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo bà Quỳnh, bên cạnh những khó khăn, với lĩnh vực thực phẩm chế biến, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt có thể thâm nhập thị trường Canada trong bối cảnh các chuỗi cung ứng nước này có nhu cầu khẩn cấp đa dạng hóa nguồn cung, tìm kiếm các đối tác thay thế. Bên cạnh đó, chiến tranh thuế quan giữa Canada và Trung Quốc cũng tạo cho sản phẩm Việt Nam có thêm cơ hội vào thị trường Canada.

“Để ổn định lâu dài, cần làm sao để DN ngày càng bớt bị phụ thuộc Trung Quốc. Các DN chế tạo rất kiên quyết trong việc làm sao không để DN Trung Quốc lẩn tránh nguồn gốc vào Việt Nam”.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hiệp hội về dài hạn, theo bà Quỳnh, cần có sự tham gia vào cuộc và phối hợp hỗ trợ thông tin của nhiều cơ quan. Theo đó, Tổng cục thuế cần phân tích các mức thuế Hoa Kỳ sẽ áp dụng với mỗi nước theo từng mã HS, bao gồm cả các thuế trước đó, để có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác. Tổng cục Hải quan cần hỗ trợ thông tin về danh mục các doanh nghiệp nhập khẩu của từng thị trường đã nhập hàng từ Việt Nam từ 10 năm gần đây để có cơ sở triển khai các biện pháp xúc tiến phù hợp, đẩy mạnh công tác hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng các ưu đãi xuất xứ.

Ông Nguyễn Phú Hoà, Tham tán thương mại Việt Nam tại Úc cho rằng, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với các nước khiến hàng hóa Việt Nam sẽ gặp cạnh tranh lớn từ Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác. Chưa kể nếu Úc đồng giảm thuế cho hàng hóa Hoa Kỳ, mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ gặp cạnh tranh.

Cũng theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Úc, với bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, nhiều ngành hàng hóa của Việt Nam vẫn còn tiềm năng như: Dệt may, giày dép, nguyên phụ liệu, dệt may, giày dép, máy tính, linh kiện điện tử, sắt thép, nông sản rau quả, cà phê, gạo, cao su, hạt tiêu và hàng thủy sản.

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại tại Indonesia, trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. Sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia có nguyên nhân chính từ sự sụt giảm mạnh của nhóm hàng xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo và cà phê. Do ảnh hưởng chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, sản phẩm sắt thép từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Đài Loan sẽ chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang Indonesia. Trước tình hình này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát diễn biến thông tin thị trường thông qua Bộ Công Thương, Thương vụ để nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong trường hợp có các rào cản thương mại phi thuế quan mới của chính phủ Indonesia.

Nguy cơ DN FDI chuyển dịch sang thị trường khác

Về tác động của việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, hiện một số đơn hàng điện tử của các DN FDI đã bị ảnh hưởng, chuyển sang các nước. Các DN ngành cơ khí hiện chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, năm 2026, tốc độ xuất khẩu của các DN sẽ bị ảnh hưởng do DN đang đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn này. “Nếu bị áp thuế, sẽ gây sức ép với DN FDI và câu hỏi lớn nhất lúc này là các DN sẽ ở Việt Nam nữa hay không?”, bà Bình cho hay.

Cùng mối lo, bà Nguyễn Thúy Ly, Trưởng Ban pháp chế Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, hiện đã có nhiều DN FDI chuyển dịch kho hàng sang Ấn Độ để phòng ngừa rủi ro của việc áp thuế đối ứng từ Hoa Kỳ . Đây cũng là mối lo của các DN trong ngành. Để hỗ trợ DN, theo bà Ly, các cơ quan quản lý cần tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận các DN đầu mối lớn. Cùng đó, Bộ Công Thương và các Thương vụ cần cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường, quy mô, xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu nhập khẩu của các thị trường. “Đề nghị Bộ Công Thương lập tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN ngành điện tử”, bà Ly kiến nghị.