"Phép màu" đến với cặp vợ chồng hơn 13 năm mòn mỏi "tìm con"

Admin
Đã có những lúc vợ chồng anh Lê Bá Thưởng và chị Lê Thị Hà định tạm dừng bước, nhưng tình yêu và khát khao làm cha mẹ đã giúp anh chị mạnh mẽ bước tiếp.

Khát khao cháy bỏng được ôm con trong vòng tay

Sau đám cưới năm 2010, anh Lê Bá Thưởng (SN 1984) và chị Lê Thị Hà (SN 1989), quê Hưng Yên cùng nhau xây dựng tổ ấm, hy vọng sẽ sớm có những thiên thần nhỏ, nhưng ba năm trôi qua, bao hy vọng vẫn chỉ là đợi chờ. 

Những câu hỏi của người thân, những lời xì xào của hàng xóm càng khiến niềm mong mỏi được làm cha, làm mẹ của anh chị thêm khắc khoải.

Không thể chờ đợi thêm, hai vợ chồng bắt đầu hành trình tìm con. Dù phải đi xa, nghe đâu có thầy thuốc đông y giỏi anh chị đều đến khám nhưng mong ước vẫn chưa thành. 

Sau khi đi khám rất nhiều bệnh viện, chị Hà anh Thưởng biết được nguyên nhân hiếm muộn là do chị bị hẹp vòi trứng còn anh thì tinh trùng yếu.

Tin vào y học hiện đại và nghe theo bác sĩ tư vấn, hai vợ chồng đã thử thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), nhưng trải qua hai lần IUI vẫn không thành công khiến anh chị cảm thấy mất phương hướng.

"Phép màu" đến với cặp vợ chồng hơn 13 năm mòn mỏi "tìm con"- Ảnh 1.

Gia đình chị Lê Thị Hà và anh Lê Bá Thưởng hạnh phúc bên hai con sau 13 năm mong mỏi "tìm con".

"Nhiều khi chỉ cần nhìn thấy người ta dắt con đi trên đường tôi cũng ao ước được bế bồng con như vậy. Thèm được ôm ấp, được cho con bú, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ của con, được con bi bô gọi mẹ. Khao khát lắm! Có những khoảng thời gian tôi không dám đi đâu, cỗ bàn cũng bỏ, chỉ muốn ở nhà. Thấy mọi người có con thì mừng cho họ nhưng trong lòng nặng trĩu, nửa đêm khóc một mình", chị Hà xúc động chia sẻ.

Năm 2018, đến bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, sau khi thăm khám, chia sẻ về tình trạng của vợ chồng, bác sĩ đã tư vấn cho anh chị thực hiện phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sự tận tình của đội ngũ y bác sĩ đã khiến gia đình chị Hà quyết định đặt trọn niềm tin vào bệnh viện với hy vọng về một phép màu sẽ đến.

Cả một quá trình kích trứng, chọc trứng tạo phôi đều diễn ra thuận lợi, cặp vợ chồng tràn đầy hy vọng sẽ sớm đón được con. Sang năm 2019, chị Hà được bác sĩ chỉ định chuyển phôi, sau bao ngày mong ngóng, cuối cùng anh chị đã đợi được thời khắc hạnh phúc nhất trong đời, một hạt mầm xinh đã bén rễ đâm chồi. Tin vui mang thai khiến cho cả đại gia đình rộn ràng, ai cũng mừng cho anh chị.

Những tưởng ngày tháng cứ thế êm đềm trôi qua, vậy mà vui mừng được bao lâu, vào tuần thai thứ 9 bác sĩ chẩn đoán em bé mất tim thai. Tin tức đến quá bất ngờ khiến chị Hà bật khóc nức nở, suy sụp tinh thần.

6 năm hành trình với biết bao nỗ lực, cả anh Thưởng và chị Hà đã đánh đổi rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và cả sức khỏe. Vậy mà khi sắp được chạm tay vào hạnh phúc thì mọi thứ lại vụt mất. 

Khoảng thời gian ấy, cả hai vợ chồng đều cảm thấy bất lực, đã có lúc anh Thưởng nghĩ đến việc ly hôn để chị Hà đi tìm hạnh phúc mới nhưng chị không đồng ý. 

Chị Hà an ủi chồng, nếu không có con được thì hai vợ chồng tạm dừng lại hành trình này để nhận nuôi một em bé và yêu thương con hết lòng.

Phép màu xuất hiện

Vài năm trôi qua, nỗi buồn sau lần mất con đầu tiên dần lắng lại, cuộc sống của anh chị cũng trở lại quỹ đạo bình thường. Thế nhưng, có những đêm thao thức, ý nghĩ về một lần nữa chuyển phôi, một lần nữa gieo hy vọng vào điều kỳ diệu cứ âm thầm len lỏi trong tâm trí anh chị như ngọn lửa nhỏ cháy âm ỉ, biết đâu thiên thần nhỏ sẽ xuất hiện.

Đến năm 2023, được sự động viên của gia đình, chị Hà quyết định tạm dừng công việc để dành toàn bộ thời gian cho ước mơ làm mẹ, anh chị quay lại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thực hiện tiếp hành trình còn dang dở. 

Ngày 28/2/2023, Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Hưởng - Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện đã chuyển hạt mầm bé nhỏ đến với gia đình.

Lo lắng vì lần mang thai trước chưa trọn vẹn, lần chuyển phôi này, chị Hà quyết định ở gần Bệnh viện để tiện cho việc thăm khám, theo dõi. 

Khoảng thời gian chờ đến ngày xét nghiệm beta HCG dường như dài vô tận. Khi cầm trên tay kết quả báo tin có thai, anh chị không thể tin nổi, niềm vui đến bất ngờ, hạnh phúc không thể diễn tả thành lời. 

"Phép màu" đến với cặp vợ chồng hơn 13 năm mòn mỏi "tìm con"- Ảnh 2.

Hai thiên thần nhỏ đáng yêu của gia đình.

Đặc biệt, 15 ngày sau khi chuyển phôi, niềm hạnh phúc ấy còn được nhân lên gấp đôi khi bác sĩ thông báo trong bụng chị có đến hai thiên thần nhỏ. Giờ đây chị Hà đã thực sự mang trong mình hai sinh linh bé bỏng mà anh chị đã mong đợi bao lâu.

Sức khỏe của mẹ cùng bé ổn định cho đến tuần thứ 20, bác sĩ phát hiện chị Hà có dấu hiệu tụt cổ tử cung, hở eo cổ tử cung hình chữ Y. Mặc dù đã được điều trị, tình hình vẫn chưa cải thiện đáng kể. 

Cuối cùng, ở tuần thai 26, bác sĩ quyết định thực hiện khâu eo tử cung cho chị Hà. Ca khâu thành công và ba mẹ con đã bình an vượt qua giai đoạn đầy thử thách ấy.

Đến tuần thai 36 tuần 5 ngày, chị Hà bắt đầu cảm thấy cơ thể trở nên nặng nề, có chút khó chịu khác thường. Sau khi thăm khám, bác sĩ đánh giá tình trạng hai bé đều tốt, cân nặng ổn định và khuyên chị Hà chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho việc sinh nở sớm. 

Ngày 25/10/2023, trong niềm hạnh phúc vô bờ của đại gia đình hai bên, hai thiên thần nhỏ Lê Diệp Thảo và Lê Bá Quang Vinh chào đời. Hai bé được bố mẹ gọi tên thân mật ở nhà là Gạo - Thóc.

Từ ngày có hai con, cả nhà lúc nào cũng tất bật, rộn ràng, chị Hà chia sẻ: "Có hai bạn vất vả sẽ gấp đôi, gấp ba thế nên mọi người trong gia đình đều phải cố gắng, nhưng hạnh phúc lắm, bao nhiêu mơ ước của hai vợ chồng mình sau 13 năm thành hiện thực rồi".

Mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng ở Việt Nam vô sinh, hiếm muộn

13 năm – một hành trình có nước mắt, có hy vọng và biết bao đêm dài mong ngóng. Cuối cùng, phép màu cũng đến khi anh chị được ôm trọn những thiên thần bé nhỏ trong vòng tay. Nhìn các con, anh Thưởng chị Hà như thấy bao vất vả bỗng chốc tan biến, chỉ còn lại niềm hạnh phúc ngọt ngào khó nói thành lời. Giờ đây, gia đình nhỏ sẽ bước tiếp một hành trình mới tràn đầy tiếng cười, tình yêu và niềm vui.

Ths.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thông tin thêm, với mong muốn giúp các gia đình hiếm muộn giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo điều kiện cho các cặp đôi tiếp tục vững tin bước tiếp trên hành trình tìm con, chương trình "ươm mầm xanh, bảo hành IVF" của bệnh viện thời gian qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cặp đôi, các gia đình hiếm muộn.

Cụ thể, khi bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm, đăng ký tham gia chương trình và chọc hút noãn tại bệnh viện trong thời gian từ ngày 6/11/2024 đến hết ngày 30/4/2025 sẽ được hoàn lại toàn bộ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm, bao gồm: Chọc trứng, tạo phôi, nuôi phôi ngày 3, 1 lần chuyển phôi nếu quá trình chuyển phôi không thành công....

"Chúng tôi mong muốn chương trình sẽ giúp các gia đình vơi bớt phần nào nỗi lo về kinh tế để viết tiếp ước mơ "con yêu"", BS.Hiền bày tỏ.